Ông Quách Hồng Tuyến, Phó giám đốc sở Xây dựng TP. HCM |
Ông Quách Hồng Tuyến, Phó giám đốc sở Xây dựng TP cho biết:
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 43 của Chính phủ về giảm thủ tục hành chính và chi phí quản lý dự án, UBND TP đã đồng ý kiến nghị của Sở Xây dựng không đưa bản vẽ kết cấu công trình vào hồ sơ xin CPXD. Trách nhiệm của chủ đầu tư là lập, trình cơ quan chức năng thẩm tra các bản vẽ (trong đó có bản vẽ kết cấu công trình) trước khi khởi công.
Điều này không có nghĩa là TP.HCM bỏ việc quản lý chất lượng công trình xây dựng, cho dù đó là nhà riêng lẻ và người dân tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà.
* Tại sao phải giảm thủ tục ở khâu CPXD?
- Qua theo dõi hoạt động CPXD trên địa bàn TP, Sở Xây dựng thống kê có khoảng 70% hồ sơ được cơ quan chức năng yêu cầu điều chỉnh bản vẽ kiến trúc.
Nếu chủ đầu tư phải nộp bản vẽ kết cấu khi nộp hồ sơ xin CPXD, khi bản vẽ kiến trúc (để xin CPXD) bị sửa kéo theo bản vẽ kết cấu công trình cũng sẽ bị sửa, làm mất rất nhiều thời gian và tiền bạc của dân.
Nếu sau khi người dân, doanh nghiệp được CPXD mới tiến hành làm bản vẽ kết cấu dựa trên bản vẽ kiến trúc đã được duyệt thì chi phí và thời gian cấp CPXD giảm rất nhiều.
* Qui định mới ra sao đối với nhà ở trong các dự án đã có qui hoạch chi tiết 1/500 ?
- Vừa qua nhà ở trong các dự án đã có qui hoạch 1/500 phải CPXD. Tuy nhiên trong quyết định 27 của UBND TP vừa ban hành cũng theo tinh thần của Nghị quyết 43 của Chính phủ để đơn giản thủ tục hành chính cho dân.
Đối với nhà ở trong dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị..., qui mô dưới 7 tầng với tổng diện tích sàn dưới 500m2, các công trình xây dựng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có qui hoạch chi tiết 1/500 thì không cần CPXD vì các chỉ tiêu qui hoạch kiến trúc của những khu vực này đã rõ ràng.
Chủ đầu tư phải lập hồ sơ kỹ thuật quản lý chất lượng công trình trước khi khởi công.
* Theo qui định mới, UBND TP có cho phép xây, sửa nhà trong lộ giới đường cao tốc, xa lộ mà trước đây người dân không được phép ?
- Thời gian qua có nhiều vướng mắc trong việc CPXD cho người dân hai bên các loại đường này. Ví dụ như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có lộ giới là 100m, nhưng nhà nước mới làm đường 40m. Như vậy, mỗi bên còn đến 30m đất của dân trong qui hoạch lộ giới. Rất nhiều trường hợp vừa bị giải phóng mặt bằng để làm đường nhưng phần đất còn lại (vẫn thuộc qui hoạch lộ giới) không được xây dựng nhà ở. Như vậy rất khó cho dân.
Hoặc như đường Xa Lộ Hà Nội: người dân vừa giao đất để mở rộng con đường này và phần nhà, đất còn lại bị vướng khoảng lùi theo thiết kế đô thị. Tuy nhiên thiết kế đô thị trên chưa có thời hạn thực hiện cụ thể, nếu không cho dân xây nhà thì rất khó khăn cho đời sống của người dân sau khi bị giải tỏa.
Do vậy theo qui định CPXD mới, nhà đất trong lộ giới các tuyến xa lộ, quốc lộ, cao tốc và ngoài hành lang an toàn đường bộ được cấp CPXD có thời hạn với qui mô tối đa ba tầng.
* Việc CPXD cho các công trình công cộng tạm trên đất nông nghiệp trống trong khu qui hoạch thực hiện ra sao ?
- Trước đây, UBND TP xem xét cấp CPXD công trình trên cho từng trường hợp cụ thể. Nay đưa nội dung này vào quyết định 27 là để cho UBND các quận, huyện giải quyết đại trà.
Các khu đất này là đất nông nghiệp, nhưng thực tế thì xung quanh đã có nhà, công trình bao quanh, không thể làm nông nghiệp và cũng được qui hoạch thành khu cây xanh, trường học, bệnh viện... nhưng nhà nước chưa làm.
Để sử dụng đất có hiệu quả, tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường, TP cho phép xây những công trình thể thao, văn hóa phục vụ cộng đồng như sân bóng đá, bãi giữ xe, sân chơi cho trẻ em, bãi giữ xe... với kết cấu kiến trúc không kiên cố. Khi nhà nước thu hồi đất sẽ không bồi thường giá trị công trình.
* Sau một thời gian “siết” việc xây dựng, sửa chữa nhà trên và ven kênh rạch bằng qui định về hành lang an toàn kênh rạch (quyết định 150 của UBND TP năm 2004), vì sao nay UBND TP “mở” cho phép người dân xây dựng, sửa chữa nhà loại này?
- Hiện nay TP hàng chục ngàn nhà trên và ven kênh rạch. Qua thời gian, các căn nhà này hư hỏng, mục nát gây nguy hiểm cho người sử dụng... Nếu nhà nước không cho sửa chữa, xây dựng lại mới thì người dân vẫn xây, sửa vì họ không còn chỗ ở nào khác.
Vì vậy, quyết định lần này phân loại để người dân được sửa chữa, xây dựng nhà ở trên kênh rạch và trong hành lang an toàn kênh rạch tùy từng vị trí và cấp kênh rạch. Việc xây dựng này bảo đảm không vi phạm luồng lạch của dòng sông, kênh, rạch, những khu vực có nguy cơ sạt lở không được xây.
Được xây tối đa 3 tầng Theo quyết định 27 ngày 4-8-2014 của UBND TP.HCM, những trường hợp sau được CPXD có thời hạn với qui mô tối đa ba tầng, không kể mái che thang, và tầng lửng: - Nhà ở riêng lẻ có một phần hoặc toàn bộ nằm trong lộ giới, hẻm giới, qui hoạch nút giao thông chưa có quyết định thu hồi đất; - Nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư (kể cả đất lấn chiếm, tự khai thác), không có tranh chấp, khiếu nại, đã xây dựng trước ngày 1-7-2006 và trước khi có qui hoạch; - Nhà, đất trong lộ giới các tuyến xa lộ, quốc lộ, cao tốc và ngoài hành lang an toàn đường bộ; - Nhà, đất nằm trong qui hoạch tuyến đường sắt chưa được phê duyệt, công bố ranh, hướng tuyến. Công trình (trừ các cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm phải di dời), nhà ở riêng lẻ trong khu qui hoạch, chưa có quyết định thu hồi đất được CPXD chính thức tối đa 3 tầng. Khu qui hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới thì được CPXD như đất dân cư hiện hữu (trừ các cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm phải di dời). Thời hạn sử dụng công trình (theo CPXD tạm) không quá 5 năm tính từ ngày 1-7-2013 hoặc từ ngày qui hoạch được công bố (nếu qui hoạch công bố sau thời điểm trên, có lợi cho dân hơn). Nếu nhà nước thu hồi đất trong thời gian trên để làm dự án thì người dân không được bồi thường phần nhà, công trình xây dựng. Nếu nhà nước thu hồi đất sau thời hạn trên thì phải bồi thường cho dân nhà, công trình xây theo CPXD có thời hạn. |
Thủ tục giảm
|
Đối với những dự án nhà cao tầng, chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí 0,5% tổng vốn đầu tư (bỏ ra để làm bản vẽ kết cấu công trình và những văn bản thẩm tra để hoàn tất hồ sơ xin cấp GPXD), tiết kiệm được từ 6-18 tháng cho thời gian chuẩn bị hồ sơ.
Theo đại diện một công ty tư vấn thiết kế, chi phí để làm bảng vẽ một hồ sơ xin CPXD cho nhà ở riêng lẻ sẽ giảm khoảng 40.000 đồng/m2 sàn xây dựng, rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ khoảng 40 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận